Slogan

Ung thư

ĐIỀU TRỊ MIỄN DỊCH UNG THƯ PHỔI
[ Cập nhật vào ngày (05/08/2022) ]

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính mà tế bào ung thư bắt nguồn từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang. Ung thư phổi được chia làm 2 loại chính: - Ung thư phổi không tế bào ... UNG THƯ PHỔI LÀ GÌ


UNG THƯ PHỔI LÀ GÌ

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính mà tế bào ung thư bắt nguồn từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang. Ung thư phổi được chia làm 2 loại chính:

- Ung thư phổi không tế bào nhỏ: chiếm khoảng 80-85% ung thư phổi, gồm các nhóm:

+ Ung thư biểu mô tuyến

+ Ung thư biểu mô vảy

+ Ung thư biểu mô tế bào lớn

- Ung thư phổi tế bào nhỏ: chiếm khoảng 10-15% ung thư phổi

- Ngoài ra còn có các loại mô bệnh học khác ít gặp hơn như: u carcinoid, ung thư biểu mô dạng tuyến nang, u lympho, sarcoma…


 

CHẨN ĐOÁN UNG THƯ PHỔI

Chẩn đoán trong ung thư học nói chung bao gồm chẩn đoán xác định bệnh ung thư và chẩn đoán giai đoạn bệnh. Để chẩn đoán bệnh nhân chắc chắn mắc bệnh ung thư, bác sỹ sẽ dựa trên cả triệu chứng lâm sàng, các kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh; đặc biệt “tiêu chuẩn vàng” chẩn đoán ung thư là giải phẫu bệnh.

Triệu chứng lâm sàng: như ho, đau ngực, khó thở, nổi hạch cổ… là các dấu hiệu gợi ý chẩn đoán để các bác sỹ đưa ra các chỉ định thăm khám cận lâm sàng.

Kết quả chụp X-quang ngực, cắt lớp vi tính lồng ngực, cộng hưởng từ, xạ hình, siêu âm hạch cổ, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu… cũng sẽ được tiến hành nếu bệnh nhân nghi ngờ mắc ung thư phổi.

Dựa trên các kết quả thăm khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh, bác sỹ sẽ chỉ định sinh thiết/mổ vào khối u hoặc vào khối hạch nghi ngờ di căn để chẩn đoán mô bệnh học, từ đó đưa ra chẩn đoán xác định bệnh ung thư.

Các xét nghiệm khác như MRI sọ não, xạ hình xương, PET-CT… giúp khảo sát các vị trí có thể di căn, từ đó chẩn đoán giai đoạn bệnh.

 

ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI

Ung thư phổi không tế bào nhỏ được chia làm 4 giai đoạn (từ giai đoạn I đến giai đoạn IV) theo hệ thống phân loại của Ủy ban liên hợp về ung thư Hoa Kỳ (AJCC) và Hiệp hội phòng chống ung thư quốc tế (UICC). Trong khi đó, do đặc tính phát triển nhanh của khối u mà ung thư phổi tế bào nhỏ được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn khu trú và giai đoạn lan tràn. Vì vậy, mặc dù đều là ung thư phổi tuy nhiên việc điều trị của 2 loại này là rất khác nhau.

Ung thư phổi không tế bào nhỏ

Ở giai đoạn sớm, tổn thương tại chỗ, tại vùng (I-IIIA), việc điều trị chủ yếu là phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi, nạo vét hạch triệt căn. Sau khi phẫu thuật ổn định, tùy vào kích thước khối u, độ xâm lấn, đặc điểm di căn hạch vùng và diện cắt mà bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị hóa chất/ xạ trị bổ trợ hoặc chỉ phải theo dõi định kỳ. Trong 1 số trường hợp, khối u nằm ở vị trí khó khăn không thể cắt bỏ triệt để, hoặc bệnh nhân cao tuổi, thể trạng kém, nhiều bệnh nền kèm theo, nguy cơ rủi ro cao khi phẫu thuật… thì xạ trị triệt căn khối u được xem như một liệu pháp thay thế.

Đối với giai đoạn tiến xa, di căn (IIIB, IIIC, IV), bệnh không còn khả năng điều trị triệt căn, tuy nhiên việc điều trị nếu có hiệu quả sẽ kéo dài thời gian sống, đồng thời giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Ung thư phổi tế bào nhỏ

Giai đoạn khu trú: điều trị triệt căn bằng phương pháp hóa xạ trị đồng thời

Giai đoạn lan tràn: điều trị triệu chứng bằng hóa chất, miễn dịch.

Tóm lại, việc điều trị ung thư phổi là sự kết hợp đa mô thức (nhiều phương pháp khác nhau). Trong khi việc điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm chủ yếu dựa vào các phương pháp tại chỗ, tại vùng (phẫu thuật, xạ trị), thì các bệnh nhân giai đoạn muộn lại chủ yếu dựa vào các phương pháp điều trị toàn thân. Trước đây, điều trị toàn thân ung thư phổi hầu như chỉ có hóa trị, thì nay với sự tiến bộ trong y học bệnh nhân dần được tiếp cận với các phương pháp tiên tiến hơn, như điều trị nhắm trúng đích hay liệu pháp miễn dịch. Với sự ra đời mới mẻ, liệu pháp miễn dịch đang dần khẳng định được vai trò quan trọng trong việc điều trị ung thư phổi giai đoạn tiến xa và di căn.

 

VAI TRÒ CỦA LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng các thuốc để giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại tế bào ung thư. Thông thường, hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể sẽ có khả năng nhận biết và tiêu diệt các tế bào phát triển bất thường, từ đó sẽ ngăn chặn được phần lớn sự hình thành của nhiều loại ung thư. Tuy nhiên, các tế bào ung thư tìm cách “trốn tránh” sự nhận diện này bằng cách thay đổi cấu trúc gene, mã hóa protein… Các thuốc miễn dịch dựa trên cơ chế này tác động vào cơ thể nhằm làm tăng khả năng nhận diện của tế bào miễn dịch đối với tế bào u và từ đó tiêu diệt chúng.

Trước đây, các liệu pháp miễn dịch cũng đã được nghiên cứu và thử nghiệm trên nhiều bệnh ung thư, tuy nhiên đa số các liệu pháp này là không đặc hiệu và chưa đem lại hiệu quả rõ ràng trong điều trị ung thư phổi.

Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra protein PD-1, một loại protein có vai trò ngăn chặn hoặc “làm mù” khả năng nhận diện các tế bào ung thư của hệ thống miễn dịch. Nghiên cứu khoa học này đã giành được giải thưởng Nobel về Sinh lý học và Y học về cho giáo sư James Allison của đại học Califonia và giáo sư Tasuku Honjo của đại học Kyoto năm 2018.

Khám phá này đã mang lại những khả năng mới trong điều trị ung thư phổi. Thông qua việc ức chế các điểm/chốt kiểm soát miễn dịch PD-1/PD-L1, CTLA4 ligand/CTLA4, các protein ngăn cản hệ thống miễn dịch bị vô hiệu hoá, từ đó “dọn đường” cho các tế bào miễn dịch nhận diện, tìm và diệt tế bào ung thư.

Kể từ đó, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt nhiều loại thuốc miễn dịch có cơ chế kháng PD-1, PD-L1 hoặc CTLA4 để điều trị các loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư phổi. Các tuỳ chọn bao gồm Pembrolizumab, Atezolizumab, Durvalumab hoặc Nivolumab.

Hiện tại, Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt cho các thuốc Pembrolizumab, Atezolizumab, Durvalumab được lưu hành và chỉ định điều trị bệnh ung thư phổi. Tuỳ thuộc thể mô bệnh học, giai đoạn bệnh và chỉ số bộc lộ PD-L1 mà sẽ có chỉ định điều trị khác nhau. Các thuốc này đều đang được sử dụng tại bệnh viện Ung Bướu Hà Nội theo chỉ định phù hợp.

Pembrolizumab: được chỉ định điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa và di căn. Trong điều trị bước 1, Pembrolizumab có thể được dùng đơn trị nếu độ bộc lộ PD-L1 cao (TPS> 50%) và tải lượng khối u thấp; các trường hợp tải lượng khối u lớn, hoặc độ bộc lộ PD-L1 trung bình (TPS từ 1-49%) hoặc âm tính (<1%), cần kết hợp cùng hoá trị bộ đôi platinum. Đối với điều trị bước 2, Pembrolizumab được dùng đơn trị với các trường hợp bệnh nhân có PD-L1 dương tính (TPS >1%).

Atezolizumab: là một lựa chọn điều trị bước 1 cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa và di căn, kết hợp cùng với thuốc kháng tăng sinh mạch Bevacizumab và hoá trị bộ đôi platinum. Đối với điều trị bước 2, Atezolizumab đơn trị cho thấy hiệu quả kéo dài thời gian sống thêm bệnh không tiến triển hơn so với hoá trị với bất kỳ tình trạng bộc lộ PD-L1 nào.

Durvalumab: được chỉ định điều trị củng cố cho các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III đã hoá xạ đồng thời đạt được lui bệnh hoặc bệnh ổn định.

Bệnh nhân ung thư phổi được các bác sỹ đánh giá lâm sàng toàn diện, chỉ định thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán giai đoạn, xác định loại mô bệnh học, xét nghiệm sinh học phân tử, xét nghiệm miễn dịch…và thảo luận cùng người bệnh và thân nhân người bệnh để có thể đưa ra kế hoạch và lộ trình điều trị phù hợp nhất cho từng trường hợp.

Là bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành ung bướu, đồng thời cũng là bệnh viện chuyên khoa hạng I của TP. Hà Nội, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội luôn tiên phong triển khai điều trị toàn diện, đa mô thức, áp dụng kỹ thuật và phương pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh. Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi đã được bệnh viện Ung Bướu Hà Nội áp dụng thường quy từ đầu năm 2018. Đến nay, đã có hàng trăm người bệnh được hưởng lợi ích từ phương pháp điều trị tiên tiến này, mang lại tiên lượng khả quan cùng chất lượng cuộc sống được cải thiện.




Quản trị