Slogan

Các khoa phòng

Bước chuyển mình của y tế cơ sở Cần Thơ - Bài 2: Từng bước “làm chủ” kỹ thuật cao
[ Cập nhật vào ngày (14/03/2024) ]

Nếu như trước đây những trường hợp bệnh khó phải chuyển đến điều trị ở những bệnh viện tuyến thành phố, thì nay người dân có thể điều trị tại địa phương. Các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đã thuần thục nhiều kỹ thuật cao, rút ngắn khoảng cách với tuyến trên. Nhờ đó, hệ thống y tế cơ sở không những giữ chân được bệnh nhân địa phương mà còn thu hút người bệnh các địa bàn lân cận.


Nếu như trước đây những trường hợp bệnh khó phải chuyển đến điều trị ở những bệnh viện tuyến thành phố, thì nay người dân có thể điều trị tại địa phương. Các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đã thuần thục nhiều kỹ thuật cao, rút ngắn khoảng cách với tuyến trên. Nhờ đó, hệ thống y tế cơ sở không những giữ chân được bệnh nhân địa phương mà còn thu hút người bệnh các địa bàn lân cận. 

Củng cố niềm tin 

Nữ sinh T.N.B.N, 17 tuổi, bị tai nạn giao thông làm phần mềm cẳng chân phải giập nát. Trong 10 ngày nằm viện xuyên Tết Nguyên đán 2024 tại Bệnh viện (BV) Đa khoa quận Thốt Nốt, em N đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật xử lý vết thương. Đều đặn mỗi ngày, bác sĩ và các điều dưỡng đều đến thăm, kiểm tra vết thương và động viên tinh thần B.N. Ông Trần Thành Vũ, cha của N, cho biết: “Khi cháu bị tai nạn, người đi đường đã đưa cháu vào BV Đa khoa quận Thốt Nốt cấp cứu. Bác sĩ liên hệ với gia đình, thông báo tình trạng vết thương cần xử trí ngay. Vợ chồng tôi đồng ý để các bác sĩ phẫu thuật ngay cho con, chứ không yêu cầu chuyển lên tuyến trên. Tôi rất tin tưởng năng lực của các y, bác sĩ BV, vì trước đây tôi bị chấn thương nứt xương, từng mổ ở đây và hồi phục hoàn toàn”.


BS CKI Nguyễn Thế Cạnh, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp BV Đa khoa quận Thốt Nốt,

thăm khám vết thương cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông.

Những năm gần đây, BV Đa khoa quận Thốt Nốt đã thực hiện nhiều ca mổ khó. BS CKI Nguyễn Thế Cạnh, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp BV, cho biết: “Tình trạng lúc nhập viện của B.N là cẳng chân phải bị giập nát mô. Khi đó, các bác sĩ tiến hành rửa vết thương, cắt lọc mô giập nát, lấy dị vật, cầm máu rồi điều trị ổn định. 10 ngày sau, các bác sĩ tiếp tục thực hiện ca mổ lần 2 cho N để cắt lọc các mô hoại tử. Vết thương của cháu N tiến triển tốt, đã lên da non. Đối với những trường hợp chấn thương như thế này, chúng tôi đã có kinh nghiệm điều trị hiệu quả nhiều năm nay”.

Ngày cách ngày, cô Trần Thị Thu (60 tuổi) ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ lại đến đơn vị thận nhân tạo BV Đa khoa quận Thốt Nốt để lọc thận. Cô Thu có tiền sử lọc thận 17 năm. Trước đây, cô phải đến quận Ninh Kiều lọc thận; đường xa, vất vả. Cách đây 10 năm, BV Đa khoa quận Thốt Nốt triển khai lọc thận, cô Thu là bệnh nhân đầu tiên đăng ký, vì thuận tiện đủ đường. Các bác sĩ cũng rất nhiệt tình, thân thiện, hết lòng chăm sóc bệnh nhân. 

Theo BS CKI Lê Tuấn An, phụ trách đơn vị thận nhân tạo - BV Đa khoa quận Thốt Nốt, người mắc bệnh thận rất khổ, sức khỏe ngày càng suy yếu, phát sinh nhiều biến chứng và các bệnh lý khác. Người mắc bệnh này dù có điều kiện kinh tế khá giả, theo thời gian cũng trở nên khó khăn, huống hồ người nghèo. Bởi thế, cán bộ y tế rất đồng cảm với bệnh nhân, cố gắng theo dõi điều trị tốt nhất cho người bệnh. Đơn vị đã triển khai thêm một số kỹ thuật mới giúp bệnh nhân suy thận được điều trị hiệu quả.

Nỗ lực bắt kịp tuyến trên

BV Đa khoa quận Thốt Nốt là một trong những BV dẫn đầu tuyến quận, huyện triển khai các kỹ thuật cao. Đây cũng là đơn vị y tế cơ sở đầu tiên của vùng ĐBSCL thực hiện tán sỏi nội soi. BS CKI Nguyễn Thế Cạnh nhớ lại, từ năm 1995, bác sĩ tham gia chương trình đào tạo về ngoại niệu ở TP Hồ Chí Minh. Khi đó các giáo sư đầu ngành cũng không ngờ cơ sở y tế tuyến quận, huyện của TP Cần Thơ lại cử người tiếp cận chuyên ngành khó này. Những kỹ thuật này thường chỉ triển khai ở BV tuyến tỉnh trở lên. Với quyết tâm của tập thể BV và nỗ lực của bản thân, BS Cạnh và đồng nghiệp dần làm chủ kỹ thuật. Hiện nay, các bác sĩ đã mổ thường quy cắt túi mật nội soi, ruột thừa nội soi, mổ thoát vị bẹn…  không chỉ thu hút bệnh nhân địa phương mà cả các tỉnh lân cận. Mỗi tháng, Khoa Ngoại tổng hợp, BV Đa khoa quận Thốt Nốt, mổ trung bình 25-30 ca và gần 200 ca thủ thuật.

Cách đây 10 năm, BV Đa khoa quận Thốt Nốt cũng là đơn vị đầu tiên của tuyến y tế cơ sở triển khai lọc thận nhân tạo cho người dân địa phương. Hiện đơn vị thận nhân tạo có 18 máy hoạt động phục vụ cho 80 bệnh nhân Thốt Nốt và Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. BS CKI Đỗ Thị Lệ Nhu, Phó Giám đốc BV Đa khoa quận Thốt Nốt cho biết, lượng bệnh đến BV có xu hướng tăng, khoảng 800-900 lượt/ngày và trên 300 lượt điều trị nội trú. BV có khoảng 50 bác sĩ và luôn luân phiên tham gia đào tạo tại tuyến trên để cập nhật các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới về phục vụ bà con. 




(Trích Bài viết trên baocantho.com.vn)