Slogan

Ung thư

TIÊM PHÒNG VẮC XIN COVID-19 CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ PHỔI
[ Cập nhật vào ngày (05/08/2022) ]

Tác động của Covid-19 đối với bệnh nhân ung thư phổi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức công bố về đại dịch COVID-19 vào ngày 11/03/2020, và cho đến nay, đại dịch vẫn tiếp tục gia tăng với tốc lây lan nhanh chóng và sự xuất hiện ...


1. Tác động của Covid-19 đối với bệnh nhân ung thư phổi

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức công bố về đại dịch COVID-19 vào ngày 11/03/2020, và cho đến nay, đại dịch vẫn tiếp tục gia tăng với tốc lây lan nhanh chóng và sự xuất hiện của nhiều biến thể mới. Một số dữ liệu nghiên cứu ban đầu từ Trung Quốc, Châu Âu cho thấy bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 có sự gia tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng và tử vong, đặc biệt đối với bệnh nhân ung thư huyết học, ung thư phổi, hoặc bệnh nhân đang được điều trị hóa trị[1]. 

Bệnh lý COVID-19 được đặc trưng bởi sự kích hoạt các tế bào miễn dịch của cơ thể không thể kiểm soát, từ đó gây ra phản ứng viêm nghiêm trọng, hoạt hóa quá mức các đại thực bào, giải phóng ồ ạt các cytokine dẫn đến rối loạn chức năng và tổn thương phổi [3]. Các rối loạn có thể trầm trọng hơn do các liệu pháp gây độc tế bào, các thuốc ức chế miễn dịch hoặc do chính trạng thái ức chế miễn dịch mãn tính của bệnh ung thư. Ở bệnh nhân ung thư phổi, nguy cơ nhiễm trùng trên nền tổn thương đã có từ trước hoặc giảm thông khí phổi do những bệnh phối hợp như COPD, bệnh phổi liên quan đến thuốc lá cũng là những yếu tố gây tăng nặng tình trạng bệnh khi mắc COVID-19 [4]. Ngoài ra, việc lo ngại về dịch bệnh cũng đã tạo áp lực lớn lên tinh thần cũng như thể chất của bệnh nhân ung thư. Việc khó khăn trong khi di chuyển giữa các vùng địa lý do tình trạng cách ly, phong tỏa, chính sách… cũng là một lý do khiến bệnh nhân khó tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hơn. Hậu quả của những vấn đề nêu trên ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả điều trị, dễ bùng phát các bệnh lý liên quan đến ung thư và tăng nguy cơ tử vong [5].

2. Hiệu quả của vắc xin đối với bệnh nhân ung thư

Tháng 02/2021, một số vắc xin ngừa COVID-19 đã được phê duyệt bới Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) [6]. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị ung thư hoặc những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch thường bị loại khỏi các thử nghiệm lâm sàng. Mặc dù vậy, dựa trên dữ liệu ngoại suy từ các vắc xin khác và cơ chế hoạt động, nhiều bằng chứng cho thấy cần tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 nói chung (bao gồm cả vắc xin giảm độc lực và vắc xin mARN) ngay cả ở những bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch [7, 8].

(link ảnh: https://specialty.mims.com/topic/israeli-data-support-short-term-safety-of-bnt162b2-mrna-covid-19-vaccine-in-ici-treated-cancer-patients-)

Gần đây, những nghiên cứu hồi cứu hoặc các thử nghiệm trên chính đối tượng bệnh nhân ung thư tiêm phòng vắc xin COVID-19 đã cho thấy những bằng chứng cụ thể và rõ ràng hơn. Thử nghiệm VOICE nhằm đánh giá khả năng tạo đáp ứng kháng thể vào ngày 28 sau lần tiêm chủng thứ hai của vắc xin mARN (Mordena) trên đối tượng bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng hóa trị liệu hoặc liệu pháp miễn dịch hoặc phối hợp so với những người tham gia nghiên cứu không bị ung thư đã cho thấy: 84% bệnh nhân ung thư được điều trị bằng hóa trị liệu có đủ mức kháng thể kháng virut SAR-CoV-2 trong máu, tỷ lệ này lần lượt là  89% ở bệnh nhân điều trị hóa trị - miễn dịch kết hợp và 93% ở bệnh nhân điều trị miễn dịch đơn thuần [9]. Một nghiên cứu khác về hiệu quả về liều bổ sung (liều thứ 3 của Pfizer-BioNTech) cho bệnh nhân ung thư tại Isarel đã cho thấy, tỉ lệ mắc và tỉ lệ nhiễm COVID-19 mức độ nặng thấp hơn đáng kể ở những bệnh nhân trên 60 tuổi đã được tiêm liều thứ bổ sung sau liều thứ 2 ít nhất 5 tháng [10]. Dữ liệu hồi cứu tại Trung tâm ung thư London đối với những bệnh nhân dưới 65 tuổi đã tiêm phòng vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca hoặc Moderna từ 12/2020-2/2021 cho thấy trong vòng 7 ngày sau tiêm, đa số bệnh nhân chỉ gặp các phản ứng phụ như đau cánh tay (61,7%), mệt mỏi (18,2%) và đau đầu (12,1%). Nhìn chung sử dụng vắc xin COVID-19 trên bệnh nhân ung thư có gây các phản ứng nhẹ [11]. 

3. Khuyến cáo và nhưng lưu ý về tiêm phòng vaccine Covid-19 đối với bệnh nhân ung thư

Tùy thuộc vào sự cấp phép sử dụng vắc xin khác nhau ở từng quốc gia, các vắc xin đã được khuyến cáo sử dụng trên đối tượng bệnh nhân ung thư, bao gồm: Pfizer-BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson [8, 12, 13], AstraZeneca [8, 13] và Novavax [14].

Theo khuyến nghị của Mạng lưới Ung thư toàn diện Quốc Gia Hoa Kỳ (NCCN), tất cả bệnh nhân đang mắc ung thư và những người đang điều trị nên được tiêm phòng bằng bất kỳ loại vắc xin nào đã được FDA cho phép sử dụng. Việc tiêm vắc xin được khuyến khích ở tất cả bệnh nhân ung thư đang điều trị tích cực bao gồm cả những bệnh nhân đang hóa trị liệu, điều trị đích, điều trị miễn dịch hay xạ trị. Tuy nhiên, bệnh nhân cần trao đổi với bác sỹ điều trị về thời điểm tiêm phù hợp. Ở những bệnh nhân cấy ghép tế bào tạo máu hoặc sử dụng liệu pháp tế bào CAR-T nên được trì hoãn tiêm phòng ít nhất 3 tháng để tối ưu hóa hiệu quả của vắc xin. Điều quan trọng là bệnh nhân ung thư cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch và những người chăm sóc bệnh nhân/người tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng nên được tiêm phòng ngay khi có thể[12].

Theo CDC Anh, các bệnh nhân ung thư đang điều trị đặc hiệu, bệnh nhân ung thư máu, bệnh nhân được điều trị bằng corticosteroid liều cao hay dùng các thuốc ức chế hệ thống miễn dịch được khuyến khích nên sử dụng liều bổ sung đối với các vaccine mARN (như Pfizer-BioNTech và Mordena) sau 28 ngày kể từ mũi thứ  2. Đối với vắc xin khác như Johnson & Johnson, bệnh nhân không nên tiêm thêm liều chính, có thể cân nhắc 1 mũi nhắc lại ít nhất 2 tháng sau khi tiêm 1 liều Johnson & Johnson. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) ở Anh, bên cạnh những đồng thuận với CDC, dựa trên những vắc xin được cấp phép lưu hành tại Anh, có thể cân nhắc sử dụng mũi bổ sung đối với AstraZeneca ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch đã tiêm AstraZeneca trước đó [13].

Đối với bệnh nhân ung thư phổi sử dụng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (ICI),  bệnh nhân không cần trì hoãn việc tiêm chủng. Tuy nhiên bệnh nhân cần sắp xếp thời gian do các tác dụng không mong muốn sau tiêm có thể kéo dài một vài ngày, dẫn đến trì hoãn đợt trị liệu tiếp theo. Những đối tượng dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin là đối tượng chống chỉ định. Do đó, những người đã gặp phản ứng phản vệ với polysorbate 80 (ví dụ docetaxel) hoặc polyoxyl (ví dụ paclitaxel) phải báo cáo cho bác sỹ điều trị và cần được bác sỹ miễn dịch lâm sàng khám trước khi tiêm chủng do đó là những thành phần có trong vắc xin COVID-19 (Pfizer hoặc AstraZeneca). Những người có tiền sử dị ứng với các thuốc pegyl hóa như pegfilgrastim, pegylated liposomal doxorubicin, hoặc tiền sử dị ứng nhiều loại thuốc (trong đó PEG hoặc polysorbate 80 có trong thuốc gây dị ứng) cần được bác sĩ chuyên khoa miễn dịch / dị ứng lâm sàng hoặc chuyên khoa tiêm chủng xem xét để lựa chọn vắc xin không gây dị ứng trước tiêm chủng [14].

Về nguy cơ huyết khối sau tiêm ở vắc xin Johnson & Johnson và vắc xin AstraZeneca, cơ chế chưa hoàn toàn rõ ràng và chưa có bằng chứng về mối liên hệ này với bệnh nhân ung thư, tuy nhiên đối với những bệnh nhân có tiền sử huyết khối hoặc giảm tiểu cầu do heparin nên cần tư vấn để sử dụng một vắc xin khác. Bên cạnh đó, nổi hạch cũng đã được báo cáo ở 16% bệnh nhân sau khi tiêm vắc xin mARN. Việc nổi hạch một bên có thể được ghi nhận trên chụp CT ngực; hấp thụ FDG bất thường với chụp PET cũng đã được báo cáo. Do đó để giảm lượng sinh thiết hạch không cần thiết hoặc đánh giá nhầm bệnh tiến triển, bác sỹ điều trị tùy theo kinh nghiệm và thực tế lâm sàng từng bệnh nhân có thể cân nhắc trì hoãn việc tiến hành các đánh giá chẩn đoán hình ảnh như PET/CT hay CT ngực từ 4-6 tuần sau khi tiêm vắc xin [12].




Quản trị